Đầu vào hạ nhiệt, cùng với sự cạnh tranh giành khách hàng diễn ra gay gắt... buộc nhiều nhà băng tính toán, điều chỉnh giảm lãi suất cho vay với doanh nghiệp.
Lãnh đạo một doanh nghiệp xuất nhập khẩu hạt nhựa tại quận Bình Tân, TP HCM cho biết, khoản vay trung dài hạn 10 tỷ đồng của công ty ông vừa được ngân hàng điều chỉnh giảm xuống 9% một năm (trước đó là 9,5% một năm). "Đây là tín hiệu khá tốt với những doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh như chúng tôi", ông chia sẻ.
Phó tổng giám đốc công ty giấy trên cùng địa bàn cũng cho hay, doanh nghiệp vừa vay một khoản ngắn hạn để bổ sung vốn lưu động với lãi suất chỉ 7% một năm. Trong khi mấy tháng trước, ông cho biết cũng điều kiện tương đương nhưng khoản vay chịu lãi 7,5% một năm.
Lãi suất cho vay có xu hướng giảm. Ảnh: PV |
Ông Phạm Ngọc Hưng - Phó chủ tịch Hiệp Hội doanh nghiệp TP HCM chia sẻ, với những khoản vay trung dài hạn, do được tính trên cơ chế thả nổi (lãi suất cơ sở đầu vào cộng biên độ) nên thời gian qua, một số ngân hàng giảm lãi suất đầu vào thì lãi suất đầu ra cũng có điều kiện hạ theo.
Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước về hoạt động 3 tháng đầu năm của chính sách tiền tệ cho biết, lãi suất cho vay thời gian qua khá ổn định và phổ biến khoảng 6-9% mỗi năm đối với kỳ hạn ngắn, 9-11% một năm đối với trung và dài hạn; khách hàng tốt, lãi suất cho vay ngắn hạn từ 4 đến 5% một năm.
Theo lãnh đạo một ngân hàng cổ phần phía Nam, cơ sở để nhà băng giảm lãi suất cho vay là nguồn lực và nguồn vốn rẻ tương đối dồi dào. Thực tế thời gian qua, ghi nhận của cơ quan quản lý cho thấy có nhiều trường hợp giảm lãi đầu vào 0,1-0,3% ở các kỳ hạn.
Như VPBank mới đây đã thực hiện giảm 0,3% một năm kỳ hạn gửi 15 tháng xuống còn 7,3% một năm, các kỳ hạn 7-12 tháng giảm 0,1% về tương ứng 6,9% và 7,1% một năm. Hay Ngân hàng Bản Việt cũng đưa ra thông báo giảm 0,1% ở kỳ hạn tiền gửi 18-60 tháng, xuống còn 7,8% một năm. Trong khi đó Ngân hàng Hàng Hải (MaritimeBank) lại giảm 0,2% mức lãi đầu vào kỳ hạn 18-36 tháng, từ 7,4% về còn 7,2% một năm...
"Các ngân hàng có động thái điều chỉnh giảm lãi suất huy động khi thanh khoản của hệ thống tiếp tục dư dả. Đây sẽ là cơ sở tốt để các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay", vị Phó tổng giám đốc ngân hàng chia sẻ.
Ngoài ra, một lý do khác được đề cập đến là sự cạnh tranh giành khách hàng. Các ngân hàng đang tìm cách thu hút khách hàng rất khốc liệt. "Do đó, lãi suất với chúng tôi không phải là vấn đề lớn, có thể chấp nhận giảm một vài % lãi suất cho vay đồng nghĩa với giảm lợi nhuận, miễn sao hút được khách hàng tốt", ông nói.
Với diễn biến trên, khác với xu hướng của các năm gần đây, tín dụng đã tăng trưởng mạnh ngay từ đầu năm. Đến ngày 23/3/2017, Ngân hàng Nhà nước cho biết tín dụng toàn hệ thống tăng 3,14% so với cuối năm 2016 (cùng kỳ 2016 tăng 1,79%) tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh (chiếm khoảng 80%).
Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết sẽ duy trì ổn định các mức lãi suất điều hành, thông qua điều tiết thanh khoản hợp lý để hỗ trợ các tổ chức tín dụng ổn định lãi suất, tiếp tục chỉ đạo các nhà băng thực hiện tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện phấn đấu giảm lãi suất cho vay.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 vừa diễn ra ngày 3/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nêu rõ, nếu không giảm được lãi suất thì cũng không được tăng lãi suất. Bởi với tổng dư nợ hơn 5,5 triệu tỷ đồng của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, nếu giảm được 1% lãi suất thì nền kinh tế tiết kiệm được 55.000 tỷ đồng chi phí tài chính.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét