Xét về lượng, Việt Nam là cường quốc xuất khẩu gạo, nhưng về chất và giá bán lại không thể sánh với Campuchia, Thái Lan.
"Việt Nam cần sớm thay đổi cách trồng lúa để tăng lượng gạo chất lượng lên để cạnh tranh với gạo Thái, gạo Campuchia", câu nói của ông Bruce J. Tolentino, Phó tổng giám đốc Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI), làm tôi nhớ mãi trong chuyến thăm IRRI tại Philippines vừa qua.
Trong nhiều năm Philippines là nước nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam vì nước này thiếu lương thực.
Nhưng ông Bruce J. Tolentino cho hay ba bốn năm trở lại đây Philippines đã giảm lượng gạo nhập khẩu không chỉ của Việt Nam mà còn từ các quốc gia khác.
Xu hướng tự túc lương thực không chỉ đang xảy ra ở Philippines mà còn ở các thị trường nhập khẩu gạo lớn của Việt Nam trước đây như Indonesia.
Do vậy, Việt Nam cần thay đổi cách trồng lúa để tăng giá trị hạt gạo. Đây là điều mà nhiều người đã nói đến.
Nhưng để cạnh tranh với gạo Thái Lan đã đành, lại được "nhắc" để cạnh tranh với Campuchia thì quả thực khiến nhiều người chạnh lòng.
Xét về các yếu tố sản xuất lúa gạo hàng hóa, Campuchia không bằng Việt Nam. Thế nhưng trong 5 năm trở lại đây, Campuchia lại nổi lên như một thị trường cung cấp gạo cao cấp cho thế giới.
Đó là vì hệ thống canh tác lúa ít cơ giới hóa, trồng giống lúa mùa kéo dài tới 6 tháng, ít sử dụng phân, thuốc hóa học... Của họ.
Nhưng nó lại đang phù hợp xu hướng tiêu dùng của thế giới. Cái được coi là lạc hậu của Campuchia lại trở thành lợi thế khi thế giới thay đổi thói quen tiêu dùng.
Nhiều năm liền, Campuchia đem gạo đi thi và được giải cao nhất nhì thế giới trong khi Việt Nam vẫn chạy theo sản lượng.
Khi thị trường thay đổi, gạo Campuchia được đánh giá cao hơn gạo của Việt Nam và theo đó là giá bán cao hơn. Việt Nam không cần phải sang Campuchia học cách trồng lúa, nhưng rõ ràng việc giảm hóa chất trong nông nghiệp là xu hướng tất yếu.
Ngay tại thị trường trong nước, ở một số kênh phân phối, không chỉ giống lúa ngoại như Đài Loan, gạo Nhật trồng tại Việt Nam nữa mà các loại gạo từ Campuchia, Pakistan... Ngày càng xuất hiện nhiều hơn trong bữa cơm của nhiều gia đình Việt.
Thời gian gần đây lãnh đạo ngành nông nghiệp hay nhắc đến nâng cao chất lượng và giá trị hạt gạo Việt Nam nhưng quả thực còn thiếu nhiều hành động cụ thể. Không thể sản xuất được hạt gạo chất lượng cao khi mà tình trạng buôn bán và sử dụng hóa chất vẫn khá tràn lan và khó kiểm soát.
Việt Nam đang đứng trước hai thách thức: phải tăng chất lượng gạo đồng thời thích ứng với biến đổi khí hậu. Nhưng đó cũng là cơ hội để chuyển đổi sang các mô hình trồng lúa thân thiện với môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu.
Tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn nông nghiệp nhiệt đới, cho biết người tiêu dùng ngày càng lo sợ hóa chất trong thực phẩm nên họ chấp nhận bỏ nhiều tiền hơn cho gạo Thái, gạo Campuchia vì họ cho rằng an toàn hơn.
Ông Nghĩa cho rằng nếu không thay đổi sản xuất theo nhu cầu của người tiêu dùng, nguy cơ thua trên sân nhà của gạo Việt là có thật.
Bao giờ nhà nông Việt mới trở lại trồng lúa mùa? Hiểu theo nghĩa là trở lại với phương thức canh tác truyền thống, bớt hóa chất, không đòi hỏi năng suất cao...
Ông Bruce J. Tolentino cho rằng Philippines sẽ tiếp tục giảm nhập khẩu gạo. Đó là thành quả của nghiên cứu và phát triển mà Philippines đã đầu tư trong nhiều năm qua.
"Việt Nam cũng cần phải tăng cường nghiên cứu phát triển trong nông nghiệp. Tôi có cảm giác Việt Nam đầu tư chưa xứng đáng vào lĩnh vực này...", ông Bruce nói.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét