Các hộ nuôi đã có ý thức đầu tư chuồng trại khang trang, bảo đảm vệ sinh môi trường - Ảnh:
Ở vùng miền núi, bò, heo, gà là vật nuôi chủ lực trong cơ cấu ngành Chăn nuôi. So với trước, hiện nay người dân đã hạn chế chăn nuôi nhỏ lẻ, tự cung tự cấp để mở rộng đàn theo quy mô lớn và đầu tư chuồng trại, máy móc kỹ thuật, phòng dịch bệnh, bảo vệ môi trường. Đồng thời vùng này đang thu hút nhiều cá nhân, doanh nghiệp tới đầu tư vào chăn nuôi, giúp giải quyết việc làm, ổn định đời sống cho người dân.
Tăng số lượng và chất lượng
Theo ông Đào Duy Linh, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Sơn Hòa, từ nhiều năm nay, con bò vẫn là vật nuôi chủ lực ở địa phương. Hiện tổng đàn bò ở huyện trên 20.660 con. Đối với đồng bào dân tộc thiểu số, con bò trở thành vật nuôi thoát nghèo. Trong năm 2017, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, huyện đã cấp phát 174 con bò cho hộ nghèo ở các xã Krông Pa, Ea Chà Rang, Cà Lúi, Phước Tân…
Bên cạnh đó, huyện cũng quan tâm phát triển đàn heo, đưa con vật này trở thành vật nuôi chiếm số lượng lớn thứ hai ở địa phương. Hiện đàn heo phát triển mạnh với trên 10.740 con, tăng 6.600 con trong 3 năm. "Nếu trước đây bà con chỉ nuôi một hai con phục vụ nhu cầu của gia đình, thì nay người dân chăn nuôi đàn lớn với quy mô gia trại, trang trại theo quy trình công nghệ cao, đảm bảo chất lượng cũng như công tác vệ sinh môi trường. Phòng NN-PTNT huyện thường xuyên phối hợp với các trạm thú y làm tốt công tác phòng trừ dịch bệnh, đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức phòng bệnh cho vật nuôi cũng như chăn nuôi hợp vệ sinh", ông Linh nói.
Còn ông Trần Quốc Huy, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Đồng Xuân, cho biết: Hiện nay, bà con đã quan tâm tới chất lượng giống và kỹ thuật nuôi. Trong đó, bò được phối giống bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo. Mỗi năm cho ra đời trên 2.100 con bê lai khỏe mạnh, đạt trọng lượng lớn, giúp tăng tỉ lệ bò lai trong tổng đàn lên 72%.
Nhiều kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến cũng được bà con áp dụng như nuôi heo chuồng lạnh, nuôi gà tập trung trên đệm lót sinh học… Nhờ vậy, các hộ gia đình nhân được đàn lớn, chất lượng cũng bảo đảm đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp thu mua. Huyện phấn đấu đến cuối năm nay, tăng đàn bò từ 27.570 con lên 28.000 con, đàn heo từ 14.820 con lên 15.000 con và đàn gà từ 156.000 con lên 170.000 con.
Ở huyện Sông Hinh, cùng với tăng số lượng đàn thì phương thức chăn nuôi cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Theo ông Nguyễn Khắc Sự, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh, địa phương giảm dần hình thức chăn nuôi phân tán trong khu dân cư, hướng tới xây dựng khu chăn nuôi tập trung gắn với quy hoạch khu giết mổ như ở thị trấn Hai Riêng; đồng thời chăn nuôi theo quy trình công nghệ cao bằng cách khuyến khích các công ty, doanh nghiệp bỏ vốn triển khai các dự án chăn nuôi quy mô lớn, vừa tạo công ăn việc làm cho lao động trên địa bàn vừa đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm.
Thu hút đầu tư vào chăn nuôi
Ông Trần Quốc Huy chia sẻ thêm: Địa phương hiện có 14 trang trại heo, mỗi trang trại có quy mô từ 500-1.000 con. Các trang trại này đều nuôi gia công cho Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam. Heo đủ trọng lượng, công ty sẽ thu mua 100% nên người nuôi không lo đầu ra. Nhờ vậy, người dân tích cực bỏ vốn xây dựng chuồng trại với máy móc hiện đại và lịch cho ăn, lịch tiêm phòng đầy đủ.
Tại xã Đức Bình Đông (huyện Sông Hinh), chị Nguyễn Thị Nhợ nuôi 600 con heo, 5.000 con gà; mỗi năm cho thu nhập trên 200 triệu đồng. Chị Nhợ chia sẻ: Trước chúng tôi không dám nuôi đàn lớn như bây giờ, vì không có đầu ra, không nắm được kỹ thuật và cũng không có máy móc hỗ trợ. Nay gia đình nuôi heo gia công cho công ty bằng máng ăn tự động, heo được tắm rửa thường xuyên, phân cũng được đưa tới hầm biogas xử lý. Tới ngày xuất chuồng, công ty tới thu mua toàn bộ, người chăn nuôi không còn phải lo nữa. Nuôi gà cũng vậy, nuôi trên đệm lót sinh học nên sạch sẽ, gà lớn nhanh, ít dịch bệnh.
Vùng miền núi Phú Yên đất rộng, nguồn thức ăn chăn nuôi dồi dào, lao động nhàn rỗi nhiều đang là nguồn lực thu hút nhiều doanh nghiệp. Theo ông Trần Quang Linh, đại diện Công ty TNHH An Minh Khang ở xã Suối Bạc (huyện Sơn Hòa), từ nay tới cuối năm, đơn vị sẽ xây 2 trang trại heo tại xã Suối Bạc và xã Ea Lâm (huyện Sông Hinh).
Trong đó, trang trại heo Sơn Hòa 1 được đầu tư trên 51 tỉ đồng, xây dựng trên diện tích khoảng 14,7ha. Còn trang trại heo nái sinh sản xã Ea Lâm có tổng diện tích trên 21ha. Cả hai trang trại này đều có quy mô công nghiệp, vừa cung cấp giống vừa đa dạng hóa chủng loại sản phẩm từ thịt heo đáp ứng nhu cầu thị trường; đồng thời giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người lao động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và tăng nguồn thu cho địa phương.
Với con bò, Tập đoàn TH đang triển khai dự án Trang trại chăn nuôi bò sữa tập trung quy mô công nghiệp công nghệ cao tại xã Sơn Định (huyện Sơn Hòa). Ông Phạm Đình Phụng, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa, cho biết: Từ 5.000 con bò sữa, Tập đoàn TH dự kiến sẽ phát triển đàn bò lên 20.000 con tại trang trại này. Bò được nuôi với quy trình công nghệ khép kín, trong đó chuồng trại sử dụng công nghệ đầu cuối hiện đại, hệ thống quản lý bò sữa tiên tiến nhất thế giới Afifarm (Israel), dịch bệnh quản lý theo quy trình của New Zealand và thiết bị xử lý nước, chất thải của Nhật Bản, Hà Lan…
Để phục vụ chăn nuôi, Tập đoàn TH sẽ hình thành tại chỗ vùng nguyên liệu thức ăn cho bò sữa bằng cách liên kết với các hộ dân ở đây; từ đó tạo việc làm cho hàng ngàn lao động nông nhàn ở các xã trên địa bàn huyện.
Theo Ban Dân tộc tỉnh, hiện tổng đàn bò ở 3 huyện miền núi gần 68.000 con, đàn heo hơn 43.000 con và đàn gia cầm, chủ yếu là gà trên 400.000 con. Hơn 3 năm trở lại đây, chăn nuôi ở vùng này có nhiều chuyển biến tích cực theo hướng bền vững, từ thả rông tự cung tự cấp sang chăn nuôi tập trung và tập trung quy mô lớn theo công nghệ hiện đại. Các hộ chăn nuôi đã quan tâm đầu tư nâng cao chất lượng giống, kỹ thuật chăm sóc cũng như giữ gìn vệ sinh môi trường.
Vùng này bước đầu thu hút các doanh nghiệp, đơn vị tới đầu tư vào chăn nuôi. Hạ tầng cho chăn nuôi cũng được quy hoạch theo hướng liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ trong đó gắn vùng nguyên liệu với khu chăn nuôi và gắn khu chăn nuôi gần với khu giết mổ. Điều này vừa giúp đảm bảo vệ sinh môi trường, vừa an toàn thực phẩm lại cho hiệu quả kinh tế cao.